Bối cảnh Không_kích_biển_Đông

Bản đồ chiến lược về mặt trận Thái Bình Dương vào tháng 1 năm 1945. Các khu vực nhuộm màu đỏ là phần kiểm soát bởi phe Đồng Minh, và khu vực còn lại được Nhật Bản kiểm soát.

Từ năm 1941 tới đầu năm 1942, người Nhật đã đánh chiếm và cai quản gần như toàn bộ khu vực ở xung quanh Biển Đông. Việc kiểm soát vùng biển này là một nhân tố quan trọng với nền kinh tế và bộ máy chiến tranh Nhật Bản, vì phần lớn các nguồn cung cấp dầu thiết yếu và các nguồn tài nguyên khác từ Malaya, BorneoĐông Ấn Hà Lan đều được vận chuyển qua khu vực này.[3] Tình hình ở Đông Dưong diễn ra khá thuận lợi với quân Nhật sau khi Pháp bị Đức chiếm đóng tại châu Âu khiến chính quyền Pháp tại Đông Dưong nhanh chóng bị lay động. Sau một cuộc đụng độ nhỏ vào tháng 9 năm 1940, chính quyền thuộc địa đã phải nhượng bộ người Nhật, cho phép họ sử dụng toàn bộ hệ thống sân bay và cảng biển ở miền Bắc Đông Dương. Tháng 7 năm 1941, quân Nhật chiếm Nam Đông Dương và thiếp lập các sân bay và căn cứ hải quân trọng yếu ở vịnh Cam Ranh. Chính quyền Pháp chỉ đóng vai trò làm bù nhìn cho Nhật[4]. Sau khi Pháp được quân Đồng Minh giải phóng vào tháng 8 năm 1944, chính quyền thuộc địa đã tìm cách liên lạc với chính phủ mới của Pháp Tự Do ở Paris, và lên kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc đảo chính[5]. Các cơ quan tình báo Nhật biết được ý định này từ trước đó nên họ đã đảo chính Pháp và chiếm toàn bộ vùng Đông Dương.[6][5]

Máy bay ném bom B-24 Liberator thuộc Phi đội Ném bom số 425 đang đánh phá một cây cầu đường sắt ở khu vực Trung Kỳ, Đông Dương thuộc Pháp (địa phận tỉnh Quảng Bình, Việt Nam ngày nay), ngày 8 tháng 9 năm 1944.

Khi thế trận bị đảo chiều và đẩy Nhật Bản vào thế bị động, các tuyến vận tải đi qua Biển Đông thường xuyên bị lực lượng tàu ngầm của quân Đồng Minh tấn công - và đến giai đoạn cuối năm 1944 - bị máy bay tấn công.[3] Các cuộc tấn công này diễn ra dựa trên những thông tin tình báo, các đợt trinh sát hàng không tầm xa, và các báo cáo từ các chốt theo dõi dọc khu vực bờ biển Trung Quốc và các khu vực khác ở Đông Nam Á.[7][8] Không đoàn 14 Không lực Lục quân Hoa Kỳ, đóng quân ở Trung Quốc, thường xuyên tổ chức các cuộc không kích vào tàu vận tải Nhật Bản ở khu vực Biển Đông. Máy bay cũng tấn công định kỳ vào các cảng biển Nhật Bản ở miền Nam Trung Quốc và các căn cứ quân sự ở Đông Dương.[9][10] Ngoài ra phe Đồng Minh còn thực hiện nhiều nhiệm vụ tình báo bí mật, hỗ trợ các lực lượng kháng Nhật ở Đông Dương cho đến quý 2 năm 1945.[11][12]

Mặc dù số lượng tàu chở dầu và tàu vận tải bị đánh chìm liên tục tăng cao, chính phủ Nhật vẫn tiếp tục duy trì các tuyến vận tải qua khu vực Biển Đông. Để tối thiểu hóa thiệt hại, các đoàn vận tải chỉ được phép di chuyển trên các lộ trình vạch sẵn, hoặc di chuyển gần bờ và chỉ được hoạt động vào ban đêm.[3]

Quân Đồng Minh bắt đầu mở chiến dịch giải phóng Philippines vào ngày 25 tháng 10 năm 1944, mở màn bẳng cuộc đổ bộ vào Leyte ở miền trung Philippines. Sau khi thiết lập được căn cứ ở Leyte, người Mỹ đổ bộ vào đảo Mindoro vào ngày 13 tháng 12. Chiến dịch này được triển khai nhằm đánh chiếm các sân bay trong khu vực để có thể tái sử dụng cho các cuộc tấn công vào tuyến vận tải Nhật trên Biển Đông và hỗ trợ đợt đổ bộ sắp tới ở vịnh Lingaten ở Tây Bắc Luzon, dự kiến bắt đầu vào ngày 9 tháng 1 năm 1945.[13]

Vào cuối năm 1944, Đô đốc William Halsey Jr., chỉ huy Đệ Tam Hạm đội, đã tìm cách tiến hành một cuộc đột kích vào khu vực Biển Đông và lên nhiều kế hoạch khác tương tự.[14] Vào ngày 21 tháng 11 năm 1944, ông liên lạc với Đô đốc Chester W. Nimitz, tổng chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, để xin phép bắt đầu các cuộc tấn công, nhưng bị Nimitz từ chối.[14]